Vào năm 1985, thương hiệu denim Kapital được thành lập tại tỉnh Kojima, Nhật Bản bởi Hirata Tokishiyo. Tên thương hiệu phát âm giống “Capital” (dịch từ tiếng Anh sang là “thủ đô”) và được chọn có lẽ không những vì tỉnh Kojima vốn được biết đến là “Thủ đô Denim” của Nhật mà cũng vì Tokishiyo từng sinh sống và làm việc tại Mỹ. Không lâu sau đó, con trai ông Hirata Kiro, người cũng đã theo học chuyên ngành nghệ thuật ở Mỹ, được bổ nhiệm cho vị trí giám đốc sáng tạo cho đến ngày nay. Điều này lý giải vì sao những thiết kế của Kapital luôn rất đặc biệt, do có sự kết hợp giữa cả văn hóa phương Đông và phương Tây qua nhiều đời. 

kapital

Giám đốc sáng tạo Hirata Kiro (trái) và người sáng lập Hirata Tokishiyo (phải)

Vốn dĩ denim Nhật luôn đi liền với Vintage Americana, nhưng Kapital đã xuất sắc vượt qua những giới hạn của xu hướng này bằng cách tập trung đẩy mạnh văn hoá nước nhà thay vì quá gò bó với những chuẩn mực Americana cũ. Những bộ sưu tập của Kapital không chỉ sử dụng denim mà còn cả những sản phẩm vải dệt với hoạ tiết đặc trưng từ khắp các vùng miền trên toàn Nhật Bản. Thay vì những chiếc áo khoác denim và quần bò trơn màu phom dáng nặng nề, Kapital không ngần ngại phối màu sặc sỡ và đưa vào thiết kế của mình những chi tiết đậm chất đông Á như áo cổ Mao, vạt yukata, áo đai thắt,… Đặc biệt hơn, toàn bộ quá trình sản xuất được thực hiện trong nước, vừa giúp đảm bảo chất lượng và kiểu dáng, vừa giúp tạo việc làm cho người dân và quảng bá văn hoá. 

kapital-thuong-hieu-street-wear-hot-nhat-nhat-ban

Một số thiết kế trong bộ sưu tập Xuân/Hè 2020 của Kapital

Trong cộng đồng streetwear hiện nay, Kapital được biết đến là một thương hiệu mang đầy tính đột phá mà vẫn giữ nguyên những nét tiêu biểu của thời trang Nhật: chất lượng hàng đầu, đề cao truyền thống, tôn trọng cộng đồng. Một số những thiết kế đặc trưng của hãng phải kể đến patchwork thổ cẩm, hoạ tiết bandana và hình mặt cười. Rất nhiều các ngôi sao và biểu tượng streetwear thế giới như A$AP Rocky, Ian Connor, Travis Scott… đã nhiều lần sử dụng và gián tiếp lăng xê cho Kapital. Do Kapital không phụ thuộc nhiều vào máy móc trong quá trình sản xuất, mẫu mã các sản phẩm rất đa dạng nhưng số lượng thường có hạn và bán với mức giá khá cao, trung bình vài trăm cho đến cả ngàn USD. Những người yêu thích nhãn hiệu này cũng thường rất gắn bó với những món đồ mang tính độc nhất của mình nên việc mua bán lại (resell) cũng không dễ dàng như đối với nhiều thương hiệu khác. Thậm chí, nhiều người nước ngoài lặn lội đến Kojima để thật sự được trải nghiệm nguồn gốc của Kapital. 

kapital thuong hieu street wear hot nhat nhat ban 1 1

Ian Connor (trái) và Travis Scott (phải) trong những sản phẩm của Kapital

Trái ngược với đà thăng tiến mạnh mẽ và sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng thời trang, Kapital không có tham vọng nhiều về mặt kinh tế. Khi được hỏi về cảm nghĩ của bản thân khi thấy thương hiệu gia đình mình trở nên nổi tiếng trên toàn cầu và được nhiều ngôi sao lớn quan tâm, Hirata Kiro trả lời: “Cảm nghĩ của tôi, là tôi đã làm việc này suốt 25 năm rồi.” (nguồn: GQ 2019). Trong suốt cuộc phỏng vấn, anh tránh nhắc đến những kế hoạch hay mục tiêu tương lai của hãng mà tập trung nói về quá trình sản xuất sản phẩm của Kapital hay lịch sử và nguồn cảm hứng cho sự đam mê denim của anh. Sự đam mê với thương hiệu của Kiro sâu sắc đến mức có thể ví như một nỗi ám ảnh, khi anh bắt buộc thử nghiệm mỗi màu nhuộm vải ít nhất 100 lần trở lên hay săn lùng các mẫu khăn bandana khắp nơi để lấy cảm hứng cho các sáng tạo của mình. Những mẫu khăn này, cùng với những sản phẩm hiếm nhất của Kapital, được chia ra để trưng bày trong 60 cửa hàng trên toàn thế giới, mỗi cửa hàng được bày trí theo một chủ đề khác nhau.

kapital factory

Xưởng sản xuất Kapital tại Kojima, Nhật Bản

Trong một vài năm vừa qua, văn hoá streetwear như trải nghiệm một sự tái sinh trọng tâm chính. Không đơn thuần chỉ còn là chỗ cho những hypebeast gắn liền với Supreme, Bape, Off-White…, streetwear dần tập trung lại vào gốc sáng tạo và cải tiến không ngừng khi thế giới tiến vào sự toàn cầu hoá và thế hệ trẻ sớm tiếp cận với nhiều luồng văn hoá khác nhau. Trong tình trạng nhiều thương hiệu lớn nhỏ chạy đua theo các xu hướng nhất thời và thúc đẩy sản xuất lan tràn để tăng lợi nhuận mà dần mất phương hướng, Kapital tiếp tục để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong ngành thời trang với niềm đam mê và sự tôn trọng cho bản sắc văn hoá. Sự trỗi dậy của những brand như Kapital có thể được coi là một tiến bộ trong streetwear hiện đại, hứa hẹn đến một sự chuyển biến lịch sử với văn hoá người tiêu dùng và tiếp tục truyền cảm hứng cho rất nhiều tài năng trẻ trong tương lai.