Có thể nói thì trong những ngày gần đây, câu chuyện Birdybag có đạo nhái sản phẩm của Urban Monkey$ hay không đã trở thành đề tài nóng hổi trong cộng đồng Local Brand Việt Nam.
Cụ thể thì vào ngày 23/6 vừa qua, Birdybag đã cho đăng tải hình ảnh một sản phẩm dép đi có độ giống lên đến 90% của một thương hiệu Việt Nam khác là Urban Monkey$. Ngay lập tức, bên phía Urban Monkey$ đã có những động thái phản ứng trước hành vi mà họ cho là ăn cắp chất xám một cách vô cùng trắng trợn này. Và tạm gác lại chuyện có hay không sự đạo nhái của Birdybag, chúng ta hãy cùng nhìn nhận sự việc ở một góc nhìn khác, cụ thể ở đây là đạo đức kinh doanh.
Thực tế thì từ lâu, sản phẩm dép sở hữu đế hai tầng đã không còn là một ý tưởng mới đối với các nhãn hàng thời trang trên thế giới. Chính vì vậy việc các Local Brand nước ta phát triển và kinh doanh dòng sản phẩm này là điều hoàn toàn dễ hiểu. Và với việc có kế hoạch rõ ràng về sản xuất và phân phối, sẽ thật là vô lý khi cho rằng Birdybag đã không tìm hiểu về các sản phẩm khác trên thị trường, mà trong đó có Urban Monkey$.
Tuy nhiên thì có lẽ là bất chấp điều này, Birdybag vẫn quyết định cho ra mắt một sản phẩm giống đến 90% với của Urban Monkey$. Nhìn bằng mắt thường, có thể thấy chúng sở hữu thiết kế hoàn toàn giống nhau, cái khác có chăng chỉ là tên thương hiệu và phần im chìm bắt mắt hơn trên quai dép của Birdybag. Và với việc sở hữu cái giá mềm hơn, bước đi này của Birdybag chẳng khác nào việc nuốt trọn mối bán hàng của Urban Monkey$.
Trên thị trường thế giới ngày nay, mặc dù đôi khi chúng ta vẫn có thể thấy được một vài vụ việc đạo nhái hay sao chép sản phẩm giữa các hãng, tuy nhiên thì chúng hầu như rất ít và ở quy mô nhỏ. Đa phần các thương hiệu lớn sẽ cạnh tranh bằng việc tạo ra những sản phẩm mới, mang tính đột phá và tạo ra một trải nghiệm khác biệt cho người dùng thay vì giẫm chân nhau trên cùng một dòng sản phẩm. Đây được coi là sự cạnh tranh văn minh khi nó thúc đẩy các nhãn hàng đổi mới, phát triển và tạo ra những sản phẩm tốt hơn dành cho người dùng.
Còn nhìn về câu chuyện của Birdybag, việc họ học hỏi, rút kinh nghiệm từ sản phẩm của Urban Monkey$ để tạo ra một thứ gì mới của chính mình là điều mà đáng ra nhãn hàng này nên làm. Tuy vậy thì thật không may, Birdybag đã chọn con đường ngắn hơn là đưa ra một sản phẩm tương tự với Urban Monkey$, điều đã không chỉ vấp phải sự chỉ trích của đa số người dùng mà còn tạo ra một tiền lệ xấu trong cộng đồng Local Brand nước ta.
Chưa biết liệu sự việc này sẽ còn tiếp diễn ra sao, tuy vậy trên góc nhìn của một người tiêu dùng, chúng ta nên lên tiếng để những sự việc như thế này không còn xảy ra trong tương lai. Và đối với các Local Brand khác, câu chuyện này cũng chính là bài học về cạnh tranh lành mạnh mà mỗi nhãn hàng cần rút kinh nghiệm, để cải thiện chính mình và cũng để giúp sức phát triển một cộng đồng Local Brand chất lượng, văn minh và cầu tiến.
Xem thêm Một số mẫu ví Local Brand Việt Nam được người hâm mộ yêu thích trong năm 2020.