Giày – một vật phẩm không thể thiếu đối với tất cả chúng ta nhưng liệu rằng với người bạn đang đồng hành cùng chúng ta trên mọi dặm đường ta đã dành cho nó sự quan tâm đúng mức? Hơn cả những thiết kế thông thường đối với một bộ phận văn hóa chơi giày dường như trở thành hơi thở hàng ngày. Có lẽ cũng bởi vì thế danh xưng “Sneakerhead” ra đời. Với sự trở lại và phát triển mạnh mẽ trong vài thập kỷ gần đây, văn hóa này càng được truyền bá rộng rãi. Dẫu vậy, những giá trị đích thực phía sau liệu đã được đặt đúng vị trí? Trong bài viết mở đầu của series chuyên sâu “Sneaker in Vietnam – giá trị đích thực được ẩn giấu” này, hãy cùng Sneaker Daily nhìn lại một chặng đường với “Người Việt và văn hóa chơi giày”!
Lần đầu xuất hiện chính thức vào khoảng những năm đầu 2000, văn hóa chơi giày thể hiện sức hút mạnh mẽ của mình khi ảnh hưởng sâu rộng đến các bạn trẻ. Việc lựa chọn một đôi giày giờ đây đã không còn chỉ với mục đích là để đi mà còn phải có tính thời trang. Tuy mới chỉ dừng lại ở những đôi giày theo trend thời đó như Tribal, Ecko, Supra,… nhưng việc bắt đầu ưu tiên sử dụng những sản phẩm chính hãng đã được coi là động thái cực kỳ tích cực.
Sau thời gian vài thập kỷ phát triển dường như những giá trị của một đôi giày đã được biết đến nhiều hơn thế. Văn hóa chơi giày đã có những dáng hình chính thức cùng những sneakerhead có tiếng với bộ sưu tập đồ sộ. Đặc biệt vào 2020, chưa bao giờ ta chứng kiến sự bùng nổ của những đôi Air Jordan như thế khi mà nhà nhà người người đều diện Jordan bởi sự ảnh hưởng mạnh mẽ của hai chương trình Rap là King Of Rap và Rap Việt.
Nhưng để nhìn lại thì liệu đây có phải là dấu hiệu tích cực và những giá trị đích thực – điều mà những người yêu giày chân chính luôn mong muốn được mang đến đã thực sự có được khi mà đa phần mởi chỉ dừng ở những cánh cửa ban đầu.
Chạy theo xu hướng có phải điều tốt?
Việc bắt đầu của bất kỳ một hiện tượng nào cũng cần có điều gì đó dẫn dắt mà thông thường được tạo ra bởi chiến lược Marketing hiệu quả hoặc độ nổi tiếng của KOL. Suy cho cùng con người vẫn luôn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những gì chúng ta được nhìn thấy hay nói cách khác là văn hóa thần tượng. Ta không cần thực sự biết đôi giày đó có giá trị gì đặc biệt hay có thực sự phù hợp với bản thân ta mua đơn giản vì cảm thấy một ai đó đi nó đẹp và nghĩ rằng mình đi nó cũng sẽ đẹp.
Điều này dẫn đến hiện tượng thoái trào nhanh chóng của trào lưu mà điển hình là đôi Supra với Justin Bieber trước đó. Việc chạy theo trend này cũng rất nguy hiểm khi dẫn đến những bong bóng thị trường gây ra việc các seller đầu cơ hoặc đầu tư lướt sóng thay vì lựa chọn đầu tư dài hạn hơn. Ngoài ra, những đôi giày hot chắc chắn sẽ bị hype giá thậm chí vượt xa giá trị thật của nó điển hình như Jordan 1 Low Shattered Backboard và câu chuyện nghịch lý mua Air Jordan mùa sau dịch.
Thiếu thốn thông tin một cách trầm trọng
Có thể nói cho tới thời điểm hiện tại những trang thông tin chính thống dành cho những người yêu giày Việt vẫn còn thiếu rất nhiều. Nếu như trên thế giới ta có thể tìm thấy tại Sneakernews, Hypebeast, Sneakerfreaker,… gần như mọi cập nhật nhanh nhất về những thiết kế đã, được và sắp ra mắt. Những cuộc phỏng vấn độc quyền, những thông tin thậm chí được chính các thương hiệu gửi gắm để gửi đến những fans trung thành của họ. Trong khi đó, rõ ràng tại Việt Nam mọi thông tin phần lớn đều được nắm bắt thông qua những bài dịch và đa phần các trang thông tin này đều hoạt động phi lợi nhuận hay nói dân dã “làm vì đam mê”.
Do nguồn kinh phí hạn chế mà chưa nói đến những chủ đề chuyên sâu, việc cập nhật thông tin hàng ngày và đưa đến bạn đọc vẫn là một thử thách lớn. Ngoài ra, như đã nói ở trên bản thân người Việt vẫn còn chạy theo xu hướng quá nhiều dẫn đến thiếu vắng đi sự quan tâm thật sự dành cho người bạn đồng hành của mình. Bạn nghĩ sao về việc sở hữu một thiết kế mà sau nó là cả một câu chuyện dài? Những ý nghĩa không chỉ về mặt vật chất mà còn là sự thỏa mãn khi đạt được một điều gì đó mà mình tâm tâm niệm niệm.
Có rất nhiều những câu chuyện như thế ở adidas Superstar, adidas Stan Smith hay Nike Air Jordan 1 High OG, Nike Air Max 1, Puma Suede, Reebok Club C… Những điều thú vị cùng với sự phát triển của cả một đế chế được gây dựng nên chỉ nhờ vào một vài dòng thiết kế kinh điển!
Ở tập một của series chuyên sâu “Sneaker in Vietnam – giá trị đích thực được ẩn giấu”, những bức màn đầu tiên đã được hé mở về thực trạng của nền văn hóa sát mặt đất tại đất nước của chúng ta. Những người cần và những người yêu liệu có tìm được cầu nối để đưa đến cho nhau những giá trị tuyệt vời nhất. Một lối ra cho những giá trị đích thực luôn là điều mà Sneaker Daily thực sự mong có thể mang đến cho cộng đồng của chúng ta. Tiếp tục đón đọc ở những số sau và chúng ta luôn có hẹn vào một ngày thực sự tìm thấy nhau!
Để hiểu rõ hơn, đừng quên tham khảo:
Biên niên sử Sneaker Việt Nam? Sneaker khác giày thể thao như thế nào? (phần 1)