Reseller, cụm từ không còn xa lạ gì với nhiều bạn trẻ hiện nay. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ việc một sản phẩm được mua đi và bán lại với mức giá cao hơn. Là hàng đã “qua tay” trung gian. Thuật ngữ này phổ biến nhất trong giới sneaker. Những đôi giày được bán lại với giá cao hơn thường dựa trên cơ sở số lượng phát hành, giá trị sưu tập, thiết kế, chất lượng, độ hype…. Những kẻ mua đi bán lại đối với sự phản hồi của cộng đồng không được cảm tình gì cho lắm, nhưng như Joker của thành phố Gotham hay Thomas Shelby của Birmingham.
Trước hết, resellers không phải là hình thức xuất hiện dạo gần đây. Việc mua một thứ gì đó ở một mức giá và bán lại ở mức cao hơn đã hình thành rất lâu trong quá trình phát triển xã hội loài người. Không cần lấy ví dụ thì các bạn cũng có thể mặc nhiên hiểu rằng mỗi người kinh doanh mục tiêu cuối cùng của họ đều là lợi nhuận, tất cả họ đều là khách hàng của một đầu mối lớn hơn vậy nên giá bán của họ cao hơn là chuyện thường tình. Họ bán lại cho những người khách hàng – chắc chắn không có đủ thời gian và mối quan hệ để tiếp cận các nguồn hàng lớn. Và một lí do nữa, nó rất là tiện.
Việc “Mua đi – bán lại” còn mở ra những con đường thông thương và giàu đặc sắc văn hóa trong lịch sử phát triển của loài người. Silkroad – Con đường tơ lụa là một trong những tuyến đường mà các “Resellers thời xưa” sử dụng nhiều nhất vào thời điểm trước công nguyên. Con đường tơ lụa nối dài từ các tỉnh Trung Quốc tới Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan – qua Địa Trung Hải và toàn châu Âu. Lí do ban đầu của việc hình thành con đường thương mại chiến lược này nằm ở mặt hàng độc đáo của Trung Quốc có tại thời điểm đó “Lụa và Tơ Tằm”. Theo các ghi chép lịch sử thì Trung Hoa là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa trên thế giới – và Châu Âu thì lại rất thích nguyên liệu mượt mà này. Nắm bắt thời cơ, các thương gia liền nhập hàng và hình thành nên sự thông thương giữa hai đại lục với nhau.
Vậy thông qua các ví dụ điển hình phía trên, chúng ta có thể thấy rằng “Resellers” hay “Mua đi bán lại” đã hình thành rất lâu và dựa trên một nguyên lý căn bản của việc kinh doanh. Đó chính là cán cân “Cung – Cầu”. Ở đâu còn có cầu thì ở đó ắt sẽ có cung.
Reseller trong cộng đồng thời trang Việt Nam
Việc mua đi bán lại cũng không ngoại lệ đối với cộng đồng thời trang đường phố nói riêng và cả Việt Nam nói chung. Thời điểm 2015 – 2017, khi mà cụm từ sneakerhead và hypebeast bắt đầu nhen nhói và tác động tới cộng đồng trẻ Việt thì nhu cầu để mua những đôi giày “Heat” luôn luôn cao. Lúc đó, chưa có nhiều các công ty hay chuỗi cửa hàng lớn nhập hàng về để đáp ứng cơn khát này. Thì đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các “Sneaker reseller” thể hiện khả năng kinh doanh của mình. Bằng các mối quan hệ với các bulkbuyer hay các người back-door tại các retailer lớn ở nước ngoài, các sneaker resellers mang về Việt Nam những đôi giày mới ra mắt để chiều lòng các hypebeast Việt thời bấy giờ. Và tất nhiên – mức giá là không thể tưởng tượng được.
Thời thế thay đổi, đến nay sneaker đóng vai trò là một phần không thể thiếu trong tổng thể outfit. Thay vào đó, thị trường lại chú tâm nhiều hơn vào việc “Với một đôi giày heat như thế này, thì mặc gì cho hợp?”. Cùng thời điểm mà streetwear lên ngôi trong nền công nghiệp thời trang quốc tế (2017-2018), những cái tên vàng trong làng streetwear như Supreme, Palace, A Bathing Ape hay Stussy dần được săn đón nhiều hơn. Việt Nam khan hiếm những retailer phân phối chính thức dẫn đến cơ hội lớn cho các reseller ở một thị phần rộng hơn “Clothing”. Có những khoảng khắc, một chiếc áo Supreme Boxlogo (Hay còn gọi là Sup Bogo) với mức giá retail là khoảng $54 ( ~1.250.000 vnđ) có thể bán lại với mức giá là 15.000.000 đồng ( x 15 lần) hoặc cao hơn tùy vào độ hiếm và độ hot của nó trên thị trường.
Và bây giờ – khi mà những thương hiệu streetwear ngoại đã dần bão hòa và quá nhiều nguồn cung cấp tại Việt Nam. Cán cân “Cung và Cầu” dần đạt mức bão hòa cho các phiên bản general release (phiên bản đại trà) thì việc resellers hoạt động mạnh trong mảng thị trường này cũng thưa thớt dần. Một miếng bánh ngon hơn lại được mở ra – đó chính là “Local Brand”.
Việc “Mua đi bán lại” tại các thương hiệu thời trang đường phố Việt vô cùng sôi động và đa dạng. Có hai kiểu “Resellers” từng được và đang vận hành tại Việt Nam đó là “Resellers cá nhân” và “Resellers hoạt động dưới sự chỉ đạo của thương hiệu”. Giai đoạn của dạng Reseller thứ 02 đỉnh điểm tại khoảng năm 2018 khi mà người tiêu dùng còn đang khá mông lung với thị trường thời trang đường phố và dễ dàng bị hấp dẫn bởi sự đẩy giá của các resellers. Và khi những người tiêu dùng dần có chính kiến riêng của mình, đây là lúc các Reseller dạng 1 – có chọn lọc hơn, phát huy khả năng kinh doanh của mình.
Reseller là tốt hay xấu?
Như tiêu đề, Reseller là một kẻ “Bất tử” – đúng nghĩa là không bao giờ có thể bị biến mất trong thị trường. Chừng nào cán cân “Cung – Cầu” còn giá trị trong việc kinh doanh thì chừng đó, reseller vẫn còn hiện diện, resellers đảm bảo chiều lòng những người có nhu cầu và có cả tiền theo đúng câu “Thuận mua vừa bán”.
Hãy thành thật với nhau, có những mặt tích cực and tiêu cực sau của Resellers:
Mặt tích cực:
- Resellers thúc đẩy việc nhận diện thương hiệu đó và vô hình chung, quảng bá brands.
- Làm nóng thị trường, khiến thị trường sôi nổi hơn với các thương hiệu thời trang.
- Reseller đang “góp phần” xây dựng hình ảnh giá trị “Local brand” tại Việt Nam theo nhiều nghĩa. Phải công nhận rằng, nhờ giá resell “vô lý” của một số reseller mà người Việt dần quen với việc giá trị cao của các thương hiệu Việt trong những năm gần đây.
- Đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thuận mua vừa bán. Có những khách hàng vì công việc và quỹ thời gian ít ỏi mà không thể trực tiếp mua tại cửa hàng thì có thể mua qua resellers theo sự thỏa thuận riêng.
Mặt tiêu cực:
- Vì không phải nhà phân phối chính thức của thương hiệu nên rất khó quản lý dẫn đến những động thái của reseller có thể gây tổn hại cho hình ảnh thương hiệu. (Ví dụ như việc sản phẩm bị đẩy giá lên quá cao, điển hình là Supreme, rất hay bị tranh cãi trên các diễn đàn khi mọi người thắc mắc rằng sao cái áo thun bình thường lại có giá tới tận $400 – $500 – xin thưa đó là giá resell ).
- Gây rối loạn thị trường bằng các hành động “Đầu cơ – Tích trữ” và tạo ra các vụ “Giá ảo” “Bong bóng thị trường”.
Reseller sẽ biến mất khỏi thị trường thời trang?
Câu trả lời là – Không. Chắc chắn rằng, trong thời điểm cơn sốt Nike hay cụ thể hơn là Air Jordan vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ dẫn đến sự khan hiếm những đôi giày này. Vậy ai sẽ là người mang chúng đến cho bạn. Chính là reseller chứ không ai khác. Bên cạnh đó, yếu tố chính mà các resellers đánh vào tâm lí thị trường chính là “Sự ham muốn” và kích đẩy cán cân “Cung – Cầu”. Đặc biệt là trong ngành thời trang, việc kiểm soát ham muốn và xác định rõ sản phẩm đó có phù hợp với mình hay không? Có cần mua hay không hay có thể đợi dịp khác hoặc chọn những sản phẩm tương tự.
Mọi vấn đề đều có 2 mặt nhưng nói cho cùng thì Reseller sẽ không bao giờ biến mất khỏi thị trường – đây là lẽ đương nhiên. Còn việc họ có đủ sức nặng để tạo được uy tín, niềm tin cho người tiêu dùng hay không thì lại là chuyện khác. Nó phụ thuộc cả vào bạn đấy những người tiêu dùng ạ. Reseller không xấu, nhưng cũng có “reseller this, reseller that”, Sneaker Daily khuyên bạn hay thông minh khi đưa ra lựa chọn cho mình không lại để tiền mất tật mang.